Thứ Sáu, 17/05/2024 - 13:35
17:06 | 03/01/2024

hhh Danh mục: Đám cưới truyền thống các dân tộc Việt Nam

 

Tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, tại không gian làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II, (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Đoàn nghệ nhân Ba Na huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc mình.

Phong tục cưới xin, hôn nhân có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống cộng đồng người Ba Na. Tùy thuộc vào từng vùng, từng giai đoạn lịch sử mà phong tục cưới hỏi của người Ba Na có một số điểm khác nhau. Tuy nhiên, phong tục cưới hỏi truyền thống của người Ba Na nói chung vẫn giữ được nét nguyên sơ, giàu tính nhân văn, thể hiện sắc thái văn hoá độc đáo.

Hôn lễ được cử hành vào buổi chiều, tại nhà Rông. Lễ vật trong lễ cưới bao gồm: một ché rượu cần, một con gà với bộ gan được luột chín và một đĩa tiết sống.
Trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của dân làng và gia đình 2 họ, người đại diện sẽ làm lễ khấn báo với thần bản mệnh của cộng đồng. Họ lấy tiết gà bôi lên đầu cô dâu và chú rể.
Tiếp đến là ông mối cầm tay có đeo vòng của cô dâu và chú rể chạm vào nhau. Ông yêu cầu đôi tân lang tân nương ăn chung 1 cái đùi gà, một miếng gan gà, uống chung 1 chén rượu cúng. Già làng và ông mối chúc phúc cho đôi tân hôn.

Lời cúng: Ôi Yang… trên trời, yang dưới đất, ông bà tổ tiên, người đã khuất hãy uống rượu ghè, ăn gan heo, gan gà, hôm nay gia đình ông Đinh Hmơnh tổ chức đám cưới cho hai cháu. Yang tốt, yang thân hãy cùng xem và cho phép hai cháu được lấy nhau, nên vợ nên chồng như người ta, sống đến đầu bạc giang long, gia đình khỏe mạnh, không ốm đâu, làm ăn phát đạt…, cả làng vui vẻ… Ôi Yang sít Yang liêm mời tất cả các thần tốt cùng chung vui và ăn mừng cùng cả làng tại nhà rông. Ôi Yang… thần trên trời, thần dưới đất, thân nước, thàn núi, thần đá hôm này gia đình không làm gì cả mà chỉ làm lễ đám cưới cho hai cháu này được lấy nhau, thành vợ thành chồng, cuộc sống sung túc,.. Ôi Yang… hôm nay được tổ chức đám cưới cho hai cháu này, thành vợ thành chồng, cầu mong gia đình khỏe mạnh, lấy nhau phải thương nhau, đi đâu cũng đi cùng nhau, làm gì cũng làm cùng nhau như con khỉ ở bên dưới, con vượn ở bên trên, sinh đẻ nhiều như trái đu đủ, nuôi con khôn lớn đến giỏi giang, khỏe mạnh… Ôi Yang. (Ông Đinh Bước trùm chiếc chiếu cói và ông Grêng đấp cái bầu nước). Đập cái bầu nước cho người ở dưới chiếu quan niệm là để cặp đôi này khi lấy nhau thì gia đình hạnh phúc lúc nào cũng vui vẻ, mát mẻ như nước rừng.

Ông mối đưa lời thề trước sự chứng kiến của hai bên gia đình: Nếu bên chàng trai bỏ cô gái thì sẽ phải đền cho cô gái một con trâu, một tạ heo và 50 rượu cần, và ngược lại bên cô gái cũng thế, phải nghe lời gia đình, nghe ông mai mối đưa lời thề, lấy nhau phải yêu thương nhau đến già. Sau đó ông mối chính sẽ gọi cho tất cả bà con và họ hàng của hai họ cùng phép lép rượu chính (xịc khal), và ông mối chính sẽ rút thịt đã luộc chính sâu trên dây lấy cho mỗi người phép lép rượu là ông mối rút cho sau thịt để ăn, (quan niệm như báo tin là thịt đây là thịt hôm nay đám cưới của hai cháu).

Lễ trao vòng trong tiếng Ba Na được gọi là lễ “Cật Riêng”. Nó có ý nghĩa như lễ đính hôn của người Kinh. Khi đã thật sự yêu thương nhau và quyết định tiến tới hôn nhân, đôi trai gái sẽ về thưa với gia đình hai bên. Theo phong tục, ba của chàng trai sẽ hỏi ý kiến con trai mình, còn mẹ của cô gái thì hỏi ý kiến của con gái mình. Nếu đôi bên đều chấp thuận hôn lễ, thì nhà trai sẽ tìm người mai mối. Người được chọn làm mai mối phải là đàn ông. Người này thạo phong tục và giỏi ăn nói. Ông mối sẽ mời nhà gái đến nhà trai để tiến hành làm lễ trao vòng cho đôi bạn trẻ. Trước sự hướng dẫn của ông mối và sự chứng kiến của cả gia đình 2 bên, đôi trai gái lần lượt trao vòng cho nhau. Thường thì chàng trai trao cho cô gái chiếc vòng nhôm.

Ngược lại, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng làm bằng đồng. Tiếng Bahnar gọi lễ cưới là “Pơ Koong”. Pơ Koong thường được tiến hành vào cuối năm, nghĩa là sau mùa thu hoạch. Nó thường được diễn ra vào những tháng cuối năm (tiếng Bahnar gọi là tháng Khay Ning Nong”, tương đương với tháng 12 và tháng 1 dương lịch. Đây là thời điểm nông nhàn, thóc lúa đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng và gà đầy sân. Ngày được chọn làm lễ cưới bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để cử hành những việc trọng đại. Đám cưới được diễn ra kéo dài đến hết một ngày. Mỗi đám cưới được xem là 1 ngày hội trong làng.

Sau khi khấn xong, già làng mời mọi người cùng uống rượu cần, bắt đầu từ gia chủ, phụ nữ được ưu tiên trước rồi đến các thành viên trong gia đình. Những người tham dự cũng được mời uống rượu cần thụ lễ và chia vui cùng gia đình. Khi nghi lễ kết thúc, một chương trình văn nghệ đặc sắc với những lời ca, tiếng hát, điệu múa giao lưu cùng du khách tham quan.

Du khách đến với “Ngôi nhà chung” trong những ngày “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ cùng nhau khám phá với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Các lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do chủ thể văn hóa thực hiện. Với nhiêu hoạt động ý nghĩa như vậy du khách không nên bỏ qua dip tham quan này tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Thúy Nga

hhh Danh mục: Đám cưới truyền thống các dân tộc Việt Nam

 



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *