Thứ Sáu, 17/05/2024 - 12:07

hhh Danh mục: Đám cưới truyền thống các dân tộc Việt Nam

 

Nghi lễ trong trong đám cưới truyền thống dân tộc Tày

Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Tày ở Chợ Đồn rất coi trọng việc hôn lễ, vì đó là chuyện hệ trọng nhất của đời người. Đám cưới của người Tày gồm rất nhiều nghi lễ, các nghi lễ chủ yếu là lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới, trong đó lễ cưới được chú trọng hơn cả. Hiện nay, hoạt động văn hoá dân gian này chỉ còn xuất hiện ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa và đang có nguy cơ bị mai một. Huyện Chợ Đồn đang thực hiện các giải pháp để bảo tồn phục dựng các nghi lễ truyền thống đó.

Lễ cưới truyền thống của người Tày được tổ chức trong hai ngày liên tục, ngày thứ nhất ở nhà gái, ngày thứ hai bên nhà trai. Trong lễ cưới, lễ đón dâu, đưa dâu được tổ chức theo đúng ngày, giờ ước định,… Đầu tiên là nghi lễ đón dâu (lặp lùa) bắt đầu từ việc chú rể phải làm lễ bái tổ tại nhà trước khi lên đường đi đón dâu, đồ sính lễ được giao cho một hoặc hai người gánh, đến giờ đã định, đoàn đón dâu do một ông Quan làng chú rể, phù rể, hai bà đón và người gánh đồ sính lễ.

Còn đối với đưa dâu (slống lùa) từ nhà gái sang nhà trai, đoàn gồm: một Pả mẻ già, một Pả mẻ trẻ, cô dâu, phù dâu. Trong lễ đón, đưa dâu, Quan làng và Pả mẻ đều thưa gửi bằng lời ca, tiếng hát thay cho đối thoại thông thường đó gọi là Thơ lẩu. Trong đó, vai trò của Quan làng là quan trọng hơn cả, bởi Quan làng phải hát nhiều, hát để tháo gỡ những thử thách mà nhà gái đưa ra. Nếu không hát đối đáp lại được, Quan làng sẽ bị phạt uống rượu. Đó là những bài thơ giữ cửa, bài thơ xin lên cầu thang, bài thơ trải chiếu, bài thơ mời rượu mời nước, bài thơ mời cơm, bài thơ dâng lễ, tạ tổ tiên, bài thơ xin dâu, bài thơ tạm biệt, dặn dò nhắn nhủ… Quan làng, Pả mẻ hát răn dạy, nhắn nhủ cô dâu, chú rể về đạo làm con, cách ứng xử trong mọi mối quan hệ.

 

 Chuẩn bị các đồ sính lễ của nhà trai trước khi đến nhà gái (ảnh do một số thành viên của “Nhóm những người yêu ca hát” xã Đồng Lạc tái hiện lại).

Ông Bàn Văn Khang, thôn Bản Chảy tâm sự: Bản thân ông là người thường được anh em, họ hàng, làng xóm nhờ làm Quan làng. Theo ông là một người Quan làng điều trong trọng phải có sự hiểu biết về bản sắc dân tộc, nhất là nghi lễ đón dâu và luôn luôn linh hoạt, sáng tạo để đối đáp với Pả mẻ. Các thủ tục để đón được dâu về không mang tính thử thách mà là mang tính giao tiếp. Các bài ca hay trong nghi lễ đón dâu được diễn ra theo thứ tự:

 Bài hát chủ nhà mời khách ngồi, mời uống nước, mời dùng thuốc, mời ăn trầu như:

“Lườn khỏi xằng cao chương pền nẳng…

Nhẹ lăng mì giường tắm, giường thung…

Bấu diền cỏi thong thả chùa căn

Nẳng lồng đuổi gia tung họ khỏi.”

( Nhà tôi chưa cao, chưa đáng toạ…

Lẽ ra có giường thấp, giường cao…

Không chê hãy thong thả rủ nhau

Ngồi xuống với gia trung họ mạc)

 Những bài ca hỏi – thưa danh tính, sự việc khi đã yên vị, chủ – khách mới hỏi rõ danh tính của nhau như:

“Đẩy chập căn pây hẩư mà ngộ…

Mà việc lăng lẻ páo hẩư ngay…

Thôi thôi cần cỏi lẩn oóc mà

Hẩư họ hàng tung gia khỏi chắc.”

(Được gặp nhau đi đâu đến ngộ…

Về việc gì thì báo cho ngay

Thôi thôi người hãy kể thật lòng

Cho họ hàng trong nhà tôi hiểu).

 Thử thách chăng dây của nhà gái trước cổng khi đoàn nhà trai đến đón dâu 

Trong đám cưới của người Tày trước kia cùng với những thử thách như chăng dây trước cổng hoặc đặt một cái thớt, đèn, dao không cho nhà trai lên cầu thang, trải chiếu ngược… những câu hát mượt mà, những vé lối lắt léo mà Pả mẻ đưa ra chủ yếu để thử thách đoàn đón dâu, mang ý nghĩa để nhà trai phải đối đáp sao cho mọi người thấy được chú rể là người xứng đáng với người con gái trong gia đình đã vất vả nuôi dưỡng trưởng thành.  Còn khi đưa cô dâu về nhà chồng Pả mẻ cũng có những câu thơ hay, ý nghĩa như: đón nhận của hồi môn của bố mẹ,vái lạy tổ tiên và trước khi kết thúc nghi lễ Pả mẻ sẽ hát một điệu hát “thắng lùa” (dặn dò cô dâu) dặn dò về cách làm ăn, cư xử và những điều cần thiết khi về nhà chồng. Trong quá trình diễn xướng, Thơ lẩu có mối quan hệ tác động qua lại với các tục lệ, tín ngưỡng dân gian khác tạo thành một khối thống nhất không thể tách rời. Nhờ có các tục lệ, tín ngưỡng này mà Thơ lẩu mới phản ánh đầy đủ mọi mặt của cuộc sống xã hội và trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Tày. Do đó, sinh hoạt Thơ lẩu trong đám cưới ở Chợ Đồn mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc cần được bảo tồn trong cuộc sống hiện nay.

 

 Những nghi lễ trong đám cưới của dân tộc Tày là kết quả của một quá trình lâu dài được cộng đồng người Tày dày công thiết lập cần tiếp tục được quan tâm bảo tồn gìn giữ.

Trong nghi lễ đám cưới của người Tày ở Chợ Đồn, còn có một tín ngưỡng nữa được thực hiện, đó là tín ngưỡng đuổi ma gà, uế tạp bảo vệ cho cô dâu về nhà chồng. Tín ngưỡng này được gọi là “giải vẻ”. Người ta sẽ tiến hành “giải vẻ” cho cô dâu trước khi về nhà chồng. Pả mẻ sẽ vừa hát, vừa làm những động tác vẩy rượu nhanh, mạnh, dứt khoát để đuổi tà ma khỏi cô dâu. Trên đường về nhà chồng, cô dâu đi giữa để được bảo vệ. Cô dâu mặc áo truyền thống dân tộc Tày, đội khăn vấn tóc, quấn tóc quanh đầu, khăn vuông và đội nón ra ngoài. Nón không chỉ để che mưa nắng, mà còn có ý nghĩa tâm linh là bảo vệ. Tín ngưỡng này đảm bảo sự trinh khiết cho cô dâu, vừa ngăn cô dâu không mang uế tạp, tai hoạ về nhà chồng.

Ông Lý Văn Chiến, thôn Nà Dầu, xã Đồng Lạc cho biết: Hiện nay, nghi lễ trong đám cưới của dân tộc Tày đang bị mai một dần, bản thân ông cũng như nhiều người con dân tộc Tày mong muốn các cấp, ngành quan tâm bảo tồn phục dựng để  nghi lễ trong đám cưới truyền thống của người Tày trường tồn với thời gian.

 Những nghi lễ, sinh hoạt trong đám cưới của dân tộc Tày là kết quả của một quá trình lâu dài được cộng đồng Tày dày công thiết lập. Các nghi lễ đã phản ánh ước vọng ngàn đời của nhân dân về đạo lý làm người. Đó là tinh thần uống nước nhớ nguồn, là tình cảm đoàn kết, keo sơn với họ hàng, người thân, là những lối ứng xử tao nhã, lịch thiệp trong cuộc sống, là mơ ước thiết tha, chính đáng của đồng bào về một cuộc sống hạnh phúc, ấm êm.

hhh Danh mục: Đám cưới truyền thống các dân tộc Việt Nam

 



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *