Thứ Sáu, 17/05/2024 - 13:35

hhh Danh mục: Đám cưới truyền thống các dân tộc Việt Nam

 

Phong tục cưới hỏi của người dân tộc Mường – Yên Bái: Hiện đại đan xen với truyền thống

Mỗi dân tộc có một phong tục, một nét văn hóa riêng trong nghi lễ hỏi-cưới. Đám cưới của người Mường ở Ao Luông (Văn Chấn, Yên Bái) giờ đây ngày càng văn minh hơn, nhưng những nét truyền thống độc đáo, riêng biệt vẫn luôn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Lễ vật được mang sang nhà gái

Trước đây người Mường, Ao Luông có phong tục cưới xin rất phức tạp, nhiều nghi lễ. Việc hôn nhân của con cái được quan niệm là do “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, bố mẹ ưng ý thì con cái phải thuận theo bố mẹ. Ngày nay, việc cưới hỏi của người Mường đã giảm bớt phép tắc, trai gái đã được tự do yêu đương, tự do tìm hiểu. Lễ hội Nàng Han tổ chức hàng năm từ ngày 5/5 đến hết tháng 3 âm lịch cũng là dịp để trai gái tìm hiểu lẫn nhau. Khi đã tìm hiểu kỹ thì báo với hai bên cha mẹ để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho một đám cưới.

Ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai, chú rể là người gánh trầu cau sang nhà gái

Lúc này, nhà trai sẽ tìm một ông mối, nhà gái tìm một bà mối đến để đôi bên gia đình nói chuyện, đối đáp với nhau. Người Mường ở Ao Luông cũng có quan niệm giống người Kinh về những điều kiêng kỵ trong hôn nhân, đó là những người cùng họ tộc không được lấy nhau, phải cách nhau ít nhất là 3 đời.

Khi sang nhà gái dạm hỏi, ông mối phải mang theo 12 chiếc bánh sừng bò (bánh gói bằng lá cây chít), một chai rượu gạo nếp, đặt trước với bố mẹ cô gái để thưa chuyện. Bố mẹ cô gái nếu đồng ý thì nhận và làm một bữa cơm chiêu đãi ông mối rồi nhà gái treo 12 chiếc bánh lên cột nhà gần khu bếp 3 ngày 3 đêm.

Nhà gái kiểm tra lễ vật.

Trong khoảng thời gian 3 ngày 3 đêm đó, nếu có con chim cú mèo kêu thì đó là điềm báo không tốt, trai gái hai nhà không nên lấy nhau. Ngược lại, nếu không có cú mèo kêu thì là điềm tốt. Sau 3 ngày, nhà gái sẽ gọi ông mối nhà trai đến, mang rượu ra uống và đồng ý gả con gái.

Đặt mâm lễ vật lên ban thờ ông bà, tổ tiên

Lễ dạm hỏi của người Mường ở Ao Luông trước kia thông thường phải trải qua 5 lần đi lại: Lần thứ nhất, nhà trai mang 1 chai rượu, buồng cau, lá trầu, chè khô sang nhà gái. Lần thứ hai, khi nhà gái nhận lời rồi thì nhà trai tiếp tục mang bánh chưng, rượu, chè khô. Lần thứ ba, nhà trai mang theo bánh dày, 2 chai rượu, 1 buồng cau, chè khô. Lần thứ tư, nhà trai mang đến nhà gái bánh dày và rượu. Lần thứ năm, nhà trai mang đến cau, trầu, bánh dày và rượu và đây là lần nhà trai chính thức xin ngày ăn hỏi.

Nhà gái chuẩn bị của hồi môn cho con mang về nhà chồng.

Theo thời gian, việc cưới xin của người Mường nay đã đơn giản hơn rất nhiều, nhà trai sau khi đến nhà gái thưa chuyện nếu được nhà gái đồng ý thì về chuẩn bị lễ ăn hỏi với các lễ vật thông thường như: rượu, thịt, tiền mặt sau đó chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.

Cô dâu, chú rể chào gia tiên, họ hàng trước khi về nhà chồng

Cô dâu khi về nhà chồng thường có một số của hồi môn do chính tay mình làm như: chăn, chiếu, gối, đệm tặng những người già, bố, mẹ, anh, chị, em ruột bên nhà trai. Cô dâu mới được gia đình nhà chồng nhận xét đánh giá là đảm đang, ngoan hiền hay không phụ thuộc vào số của hồi môn mà cô mang theo, bởi vì để làm được số của hồi môn trên thì từ lúc 12 – 13 tuổi cô dâu đã phải chuẩn bị các vật dụng để làm.

Tục hôn nhân của dân tộc Mường xưa nay tồn tại hai hình thức là đón dâu về ở hẳn nhà chồng và tục lấy rể (thường là ở những gia đình thiếu con trai). Với tục ở rể thì trước đây, nhà trai phải chủ động sắm lễ để ra mắt bên nhà gái.

Đồng bào Mường có tục chăng dây khi nhà trai đến cổng nhà gái hoặc có hai người canh cửa không mở, bao giờ nhà trai cho tiền họ mới mở cửa. Khi cửa mở đi đầu sẽ là một cô gái đại diện cho họ nhà trai đội 1 mâm xôi có hai con gà trống thiến đã mổ và luộc chín. Gà trên mâm phải có cựa nếu không con gà đó sẽ không có ý nghĩa gì và nhà gái căn cứ vào đó sẽ không đón tiếp nhà trai.

Cho đến khi ông mối đưa được chàng rể vào trong nhà sàn là mọi thử thách nhà gái đặt ra với chàng rể đã hết. Ông mối hết trách nhiệm và giao quyền cho ông bố rể mượn (nhà trai nhờ một người đàn ông khoảng 55 tuổi trở lên làm bố rể mượn để nói chuyện với nhà gái). Lúc này, ông bố rể mượn giữ vai trò quan trọng trong việc giao tiếp chính với nhà gái và dắt chàng rể đến bàn thờ tổ tiên để lạy.

Khi đoàn đón dâu về đến nhà trai, dừng ở cách chân cầu thang khoảng 3 mét, tại đó đã đặt sẵn một chiếc nồi đồng đựng nước sạch, kê nhiều hòn đá hoặc đặt thanh ván sạch nối đến chân cầu thang, sau khi rửa sạch chân mọi người mới được bước lên nhà sàn. Lúc này, bà mối bên nhà gái dẫn dâu đến lạy trước bàn thờ tổ tiên, lạy họ hàng nhà trai, tất cả khách đều được mời lên nhà và ngồi theo thứ tự. Khi làm hết mọi thủ tục, mọi người cùng ngồi vào ăn cơm, uống rượu. Trong cỗ cưới của người Mường tuyệt đối không có tiết canh, đó là điều tối kỵ.

Đêm đó, tại nhà trai sẽ diễn ra tiệc hát đối, hát ví, họ dành cho nhau những lời chúc tụng rất vui vẻ. Trong đêm đó còn diễn ra tục lệ cô dâu mới vái lạy vua bếp để cầu vua bếp phù hộ cho mình trong công việc nội trợ phục vụ gia đình nhà chồng được chu đáo.

Người Mường ở Ao Luông cũng có tục lại mặt giống như dân tộc Kinh. Sau 3 ngày 3 đêm, chú rể đưa cô dâu về nhà mẹ đẻ để làm lễ lại mặt. Lễ vật gồm có 1 đôi gà, 1 coóng cơm nếp, 2 chai rượu, trầu cau. Sau đó, buổi chiều chú rể lại đưa cô dâu trở lại nhà mình, vào đêm thứ 4 ở nhà trai, đôi trai gái mới chính thức động phòng.
Hiện nay, đám cưới chỉ diễn ra đơn giản theo các bước: dạm hỏi, lễ ăn hỏi và lễ cưới đón dâu. Nhiều gia đình đã tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, đơn giản, ít rườm rà nhưng vẫn lưu giữ được một số phong tục truyền thống của dân tộc Mường, góp phần làm giàu vốn văn hóa của 30 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *