Nhảy sạp – nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Bắc
Nhảy sạp – nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Bắc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nhảy sạp là một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, nhảy sạp là vũ điệu sôi động được đồng bào các dân tộc duy trì hầu hết trong các buổi giao lưu, gặp mặt và sinh hoạt cộng đồng.
Đồng bào Thái nhảy sạp trong Ngày hội tại “Ngôi Nhà chung” , Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Múa sạp đã xuất hiện từ khá lâu và trở thành nét đẹp trong văn hóa Tây Bắc. Múa xòe, múa sạp đều là những điệu múa dân gian độc đáo mang đến cho mọi người âm hưởng hưởng vui nhộn. Nó vừa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Bắc mà còn chứa đựng bên trong đó là tình cảm, cốt cách, tâm hồn của con người dân tộc niềm núi. Trong đó múa sạp hay còn được gọi là nhảy sạp được rất nhiều người thích thú. Để có thể chuẩn bị cho các bước nhảy sạp hay nhất đẹp nhất trước tiên cần chuẩn bị các dụng cụ, đạo cụ cần thiết.
Điệu nhảy sạp không thể thiếu của dân tộc Lô Lô trong các dịp lễ hội tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong đó cần phải chuẩn bị sạp cái (2 cây tre to, dài và thẳng); và nhiều sạp con bằng nứa hoặc tre đều được có chiều dài từ 3 tới 4 m, kích thước đường kính từ 3 tới 4cm. Để bắt đầu với các điệu nhảy sạp người ta sẽ đặt hai sạp cách nhau với một khoảng cách nhất định. Sau đó gác hai đầu với những cây sạp con đặt song song với nhau. Cứ như vậy xếp thành một hàng dài (khoảng cách giữa các cây sạp con khoảng bằng 1 gang tay vừa đủ chân nhảy được dễ dàng hơn).
Múa sạp đã trở thành một hoạt động văn hóa cộng đồng phổ biến ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc
Trong đó đội múa sạp sẽ chia ra làm 2 tốp. 1 tốp sẽ đảm nhận nhiệm vụ đập sạp và một tốp là nhảy sạp. Với tốp nhảy sạp đòi hỏi cách nhảy sạp vừa đúng nhịp điệu tiết tấu. Vừa phải có những động tác khéo léo của tay chân. Nếu không sẽ dẫm lên sạp và làm hỏng cả bài múa. Còn đối với người đập sạp phải đưa rất đều tay, đúng nhịp với tốc độ vừa phải. Thông thường lúc đầu tốc độ đập sạp sẽ chậm để người nhảy dễ dàng nhập cuộc hơn. Nhưng càng về sau sẽ dồn dập nhanh hơn tăng độ khó.
Đồng bào dân tộc Thái giao lưu những điệu múa sạp cùng du khách tham quan tại không gian làng dân tộc Thái
Nhạc nhảy sạp rộn ràng trong tiếng nứa, tiếng thanh tre gõ dồn dập hòa chung với tiếng khèn, tiếng trống và tiếng cười vui đùa của người xem tại không gian làng dân tộc Lô Lô
Nhảy sạp là một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, bà con thường tổ chức nhảy sạp vào những dịp các lễ hội… Điều đó cho thấy múa sạp vừa là hình thức diễn xướng dân gian mang tính giải trí; gắn kết cộng đồng, đồng thời cũng là vũ điệu mang tính tế lễ; gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Việc đưa vũ điệu này vào các hoạt động tập thể chính là cách quảng bá, giới thiệu chân thực, sống động về văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thông qua hoạt động này, đồng bào dân tộc gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, làng bản.
Theo: Langvanhoavietnam.vn